Có lẽ nhiều người đã quá quen với thuyết pháp dạng “thần thông không mang lại giải thoát”, nhiều vị thuyết pháp thường mang câu chuyện đức Phật sang sông hay vài câu chuyện khác trong kinh để chứng minh cho luận điểm này, tỏ ra khinh thường việc truy cầu thần thông,hồi nhỏ tôi cũng bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng kiểu như thế, giờ tôi đỡ nhỏ rồi.
Đọc lại kinh,chúng ta thấy rằng tuy đức Phật không truy cầu thần thông nhưng ngài có thần thông không? Có, không chỉ vậy ngài còn rất nhiều lần thể hiện thần thông khi cần thiết. Từ thu phục đệ tử, thu phục ma vương, cứu người,… Các vị đệ tử của ngài trong tăng đoàn khi chứng đạo đều có thần thông, tôn giả Mục Kiền Liên được ngài tán xưng là vị có thần thông bậc nhất trong tăng đoàn. Vậy chúng ta thấy rằng,tuy thần thông không phải là mục đích cuối cùng , nhưng kể cả trong Phật giáo, vị nào đạt đạo quả đều chắc chắn thể hiện được thần thông.
Bà La Môn,tôn giáo gắn liền với việc nhiều đạo sư tu tập và sử dụng thần thông. Trong kinh, chúng ta thấy nhiều lần đức Phật chỉ ra cái sai của các tu sĩ Bà La Môn (nói BLM là chung chung nhưng bên trong BLM chia ra nhiều giáo phái khác nhau),cũng thu phục nhiều tu sĩ Bà La Môn theo ngài tiếp tục tu luyện. Nhưng nên nhớ, trước khi đạt quả “lậu tận” cuối cùng ,thì tại trạng thái cao siêu trước đó là “phi tưởng phi phi tưởng”,ngài đạt được sau thời gian theo học và tu luyện với 2 vị đạo sỹ Bà La Môn. Nên để khinh thường thần thông thì đức Phật mới có tư cách khinh thường, hoặc ít ra là đã đạt quả vị nào đó . Mà quả vị nào cũng có thần thông tương ứng.
Điểm trên là 1 căn cứ quan trọng và trực quan để sơ bộ nhìn nhận trình độ thực sự của các vị đạo sư ngày nay.Tại sao? Tại thời điểm cách đức Phật ra đời đã mấy nghìn năm, muôn vàn thứ có thể sai lạc rất nhiều, kể cả kinh sách cũng đầy rẫy sự ngụy tạo. Chỉ riêng ở VN đã đầy các ông ảo tưởng mình đã đạt đạo, lập giáo phái mới, đòi chỉnh lý kinh phật, tự suy diễn phát hành kinh tự biên. Đầy ông này, bà kia tự nhận đã “kiến tánh” ,diệt được tham sân si, là hóa thân xuống cứu thế. Ờ, đạt quả vị cao vậy rồi có tí thần thông nào không? Còn nhớ khoảng 2009 khi thầy tôi lần đầu trở về VN, tại Hà Nội thầy gặp 1 người theo Mật tông tự nhận mình đã “thoát khỏi mọi bám chấp”, để chứng minh cho lời mình nói, người này tự trộn 1 tô cơm với đầy dấm và ăn hết, kết quả nôn thốc nôn tháo không kịp chạy cả vào nhà vệ sinh
Thần thông tuy chưa chắc chứng minh đạo đức,nhân phẩm của 1 vị thầy. nhưng nên nhớ nếu diệt được tham sân si thì đã thành phật, Thích Ca nói rằng “ta là phật đã thành,chúng sinh là phật chưa thành” nhưng đừng tưởng bở bạn ạ, trong kinh kệ nhiều lần để lại dấu vết cho thấy trước khi thành Phật ngài đã đạt quả vị thánh không biết bao nhiêu kiếp, rồi bao nhiêu kiếp tu trước đó mới thành được thánh. Người trần mắt thịt như tôi chỉ mong tiến được từng bước nho nhỏ, thần thông chính là thứ cụ thể nhất chứng tỏ 1 người đã “tiến được bước nào so với người khác hay chưa” hay chỉ quanh quanh tự sướng ảo tưởng với mớ thuyết luận . Hơn nữa, nếu đã tiến được dù chỉ 1 chút, bạn sẽ nhận ra có những thứ trước giờ bạn chỉ suy luận trong vòng mơ hồ,giờ lại trở nên rõ ràng hơn nhiều. Cũng giống như việc nhìn vào 1 bức ảnh trắng đen,bạn rất khó phân biệt được đâu là màu nâu,màu đỏ,màu xanh , nhưng qua bước xử lý thành ảnh màu, việc phân biệt trở nên rõ hơn bao giờ hết.
Và,việc thể hiện thần thông biểu hiện được phần nhiều định lực tu tập thực sự của 1 người. Chúng ta đều biết rằng ở bất cứ học thuật nào,ngành nghề nào,sự kiên nhẫn,chuyên chú đúng cách đều mang lại thành quả nhất định, đó là những giá trị thực tế mà người trải qua mới cảm nhận được, biểu hiện được, dù thế nào vẫn hơn hẳn những người chỉ biết quanh quanh tưởng tượng “sắc sắc,không không…”
Trên đây mới còn chưa nói đến hệ thống tu tiên ,nhắc đến tiên chả ai không nghĩ đến thần thông và trường sinh ,…..
Hẹn gặp mọi người ngày khác đẹp trời, hôm nay mưa gió quá, chả biết lúc nào mới luyện nổi đuổi mây (đang mơ)